Mừng thọ thầy Nguyễn Bác Văn 80 tuổi

Thầy Nguyễn Bác Văn sinh ngày 11/07/1935, là tổ trưởng tổ Xác suất - Thống kê, Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1960 đến năm 1981. Thầy Văn là nhà sư phạm lớn, sống khiêm nhường, mẫu mực trong làm việc, giảng dạy. Thầy là người đầu tiên dạy xác suất thống kê ở bậc đại học tại Việt Nam, là dịch giả của nhiều thuật ngữ rất chính xác trong xác suất thống kê như biến cố ngẫu nhiên, không gian mẫu, các biến cố đồng khả năng, kỳ vọng, phương sai, hệ số tương quan, khoảng tin cậy, độ tin cậy, ước lượng không chệch, hàm hợp lí, ước lượng hợp lí, kiểm định giả thiết, quá trình ngẫu nhiên, lý thuyết xếp hàng... Nhờ thế mà, người dạy cũng như người học xác suất thống kê dễ dàng làm việc bằng tiếng Việt môn học này.

Khóa 6 chúng tôi được thầy Văn dạy giải tích hết sức chu đáo và chính xác. Khi dạy giới hạn của dãy số thực

$$\lim_{n\to\infty}a_n = a, $$

Thầy rất thích dùng đoạn sau: cho trước số $\epsilon > 0$ tuỳ ý, tồn tại một lúc và kể từ sau lúc đó trở đi, ta luôn luôn có

$$|a_n-a| < \epsilon.$$

Và cứ thế, thầy kiên trì với 33 lần trong bài giảng của mình.  

Năm đó, 1961, thầy mới 26 tuổi, thầy ăn mặc rất chỉnh tề, vào lớp theo đúng tiếng kẻng và dừng ngay bài giảng khi có kẻng hết giờ. Dường như thầy không bao giờ cười đùa với sinh viên chúng tôi, nhưng thỉnh thoảng thầy cười "tủm" rất duyên.

Thầy Văn còn dạy chuyên một môn Hình học cho Chuyên Toán A0 từ tháng 9 năm 1969 ở Thượng Đình, Hà Nội. Lớp đó có Nguyễn Văn Mạnh (bây giờ là một Viện trưởng của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), Vũ Tiến Việt, cô Trần Ngọc Duyệt... Ở những khóa tiếp theo có cô Trương Xuân Đức Hà (Tổ Trưởng Đại số ở Viện Toán), Nguyễn Lê Anh, Hoàng Lê Minh... Thầy kết thúc dạy A0 vào tháng 6 năm 1980.

Năm 1964, thầy dạy chúng tôi chuyên đề "Kiểm định giả thiết" theo cuốn sách rất khó "Testing Hypotheses" của Lehman. Bây giờ nghĩ lại mới thấy hết được công lao to lớn của thầy Nguyễn Bác Văn khi tự mình đọc cuốn sách đó và giảng cho chúng tôi một cách chính xác và khá đầy đủ nội dung của Lehman.

Có thể nói, thầy Văn là tấm gương tự đào tạo lại và đào tạo được một thế hệ làm xác suất thống kê nghiêm chỉnh, trong đó có GS. Nguyễn Văn Hữu, TS. Nguyễn Viết Phú, tôi, PGS. Đào Hữu Hồ, GS. Đặng Hùng Thắng và GS. Nguyễn Hữu Dư. Một đức tính tốt nữa của thầy Văn là không suy bì, tị nạnh với bất kỳ ai, dù cho thầy không được gửi đi đào tạo ở nước ngoài trong suốt hơn 20 năm thầy làm tổ trưởng tổ Xác suất Thống kê của Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN).

Năm 1965 tôi trở thành tổ viên tổ Xác suất Thống kê do thầy lãnh đạo. Lần đầu tiên ăn cơm tập thể cùng thầy tôi lấy làm lạ là thầy không ăn cơm chan với canh, mà thầy ăn hết cơm, cuối cùng thầy mới ăn canh. Sau này tôi được biết đó là cách ăn "khoa học" của thầy với lý luận là ăn cơm chan canh dễ bị đau dạ dày vì nhai không kỹ, còn về khối lượng thì như nhau, đều đựng trong dạ dày.

Vốn là sinh viên Hà Nội, nổi tiếng học giỏi, thầy Văn được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của ĐHTHHN từ lúc còn rất trẻ, và là một cán bộ "cứng" dạy môn chính: giải tích cho sinh viên năm thứ nhất. Thầy được mọi người trong khoa kính trọng không những vì năng lực chuyên môn mà còn vì thầy làm việc hết sức say sưa, cẩn thận cũng như lối sống khiêm nhường, giản dị, sạch sẽ, nề nếp. Có lẽ vì thế mà mọi người trong Khoa không có ai dám xưng hô "mày tao" với thầy. Thầy Văn được gọi với tên trìu mến "anh Văn" (mặc dù trong khoa có nhiều người lớn hơn hoặc xấp xỉ tuổi thầy), và ngược lại thầy luôn luôn gọi mọi người bằng anh hoặc chị+tên (như anh Tụy, anh Đạo, chị Lan).

Thầy đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, thầy không bao giờ gọi ai là "thủ trưởng", vì theo thầy báo cáo thủ trưởng và thưa quan lớn là hai mệnh đề tương đương.

Thầy Văn còn tham gia bắt sống và hỏi cung phi công Mỹ bị bắn rơi vào năm 1973. Thầy Văn kể lại.

Xuân 1973 (sau Tết), khoảng 11 giờ trưa, lúc đang ngồi giặt ở bờ mương đồi Sỏi, Hiệp Hòa, tôi chợt thấy một máy bay bốc cháy vụt qua và môt phi công nhảy dù ra. Tôi vội chạy vào thềm nhà, thấy khẩu súng trường của anh dân quân dựng ở tường, liền cầm lấy và lao ra chỗ đám đông cách đó. Mọi người đã bắt được phi công Mỹ, tôi giương súng nói lớn "Hand up", phi công tái mặt sợ và giơ tay. Sau đó, tôi đi vào trong nhà gần đó hỏi cung phi công. Trước hết, hỏi "What is your name?", phi công trả lời và viết vào mảnh giấy "Ward" (sau lúc đó bác chủ nhà cho xem tấm card bắt được, tôi đọc thấy Brayen Ward, đó là tên người phi công). Câu thứ hai tôi hỏi: "How old are you"; trả lời "Twenty four". Tiếp đó, "From what aeroport?"; trả lời "Udon" (một sân bay quân sự của Thái Lan)... Không hỏi nhiều, vì dân quân phải dẫn tù binh lên huyện đội. Lúc ra khỏi nhà, trên đường ngõ một ông già xông ra quát, định đánh, tôi nói "Thôi, đã bị bắt rồi", ông già dừng tay. Về sau, đài Hà Nội đưa tin phi công Brayen Ward được trao trả, bay về Mỹ chỉ sau ba ngày bị bắt vì có mẹ bị bệnh.

PGS.TS. Hoàng Quốc Toàn kể lại một câu chuyện vui vui về thầy Văn thời còn đi sơ tán ở Thái Nguyên:

Thầy Bác Văn vốn rất gần gũi với học trò. Thầy dạy Giải tích khi tôi học năm thứ nhất. Khi ra trường, ở lại giảng dạy ở Khoa, thầy Văn vẫn rất gần gũi với chúng tôi, chuyện gì thầy cũng chỉ dẫn đến nơi đến chốn. Trong gia đình, chị vợ thầy thi lo việc nấu ăn, còn thầy Văn luôn đảm nhận việc rửa bát và dọn dẹp sau bữa ăn.

Một buổi tối khoảng gần 10 giờ đêm rồi, thầy Văn sang nhà tôi gọi tôi sang nhà thầy có chút việc. Tôi ngạc nhiên không biết chuyện gì, nhưng thầy nhờ thì cứ đi xem sao. Đưa cho tôi chiếc ghế, ngồi đàng hoàng rồi, thầy nói với tôi giọng điệu nửa đùa nửa thật. Thầy kể rằng hôm qua vì ăn cơm khuya nên tôi để bát lại sáng mai rửa. Sáng mai dậy sớm, tôi phát hiện con chuột đã cắn cái lồng bàn đậy mâm rồi chui vào. Hôm nay tôi để nguyên mâm chưa rửa và đậy lồng bàn lại. Tôi đã lấy giấy dán lỗ thủng lại rồi. Tôi gọi anh sang cùng tôi đợi xem hôm nay con chuột nó cắn chỗ khác hay cắn giấy chui vào bằng chỗ cũ. Tôi bật cười. Tuy vậy tôi cũng ở lại với thầy cho vui, im lặng đợi con chuột chui vào. Nhưng khuya quá, mặc dù nể thầy nhưng tôi cũng phải xin phép thầy về. Sáng sớm hôm sau, khi tôi chưa ngủ dậy, thầy đã chạy sang gọi tôi dậy và rất hồ hởi kể lại rằng "Con chuột rất ngu, không biết cắn giấy chui vào mà lại cắn chỗ khác. Tôi đợi cho nó chui vào rồi bịt lại. Bây giờ nó đang ở trong mâm. Mời anh anh sang xem." Rất buồn cười nhưng tôi cũng phải sang. Trước mắt tôi, chị vợ thì hét toáng, con chuột chạy quanh mâm cố tìm đường chui ra, còn thầy thì vô cùng hỉ hả.

Vì hoàn cảnh gia đình, thầy chuyển công tác vào Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh năm 1981. Mãi tận 1989, tôi được gặp lại thầy ở Warszawa Ba Lan. Thầy Văn vẫn như xưa, ngày ngày lên thư viện đọc sách, không hề quan tâm tới chuyện làm kinh tế của mọi người.

Thầy Văn xem thường chuyện kiếm tiền, sống cuộc sống đạm bạc, mê mẩn đọc sách. Theo cách nhìn của người thực dụng lúc đó, thì thầy thuộc loại good for nothing, có lẽ vì thế thầy không có bạn thân.

Thế nhưng, thầy Văn là người đầu tiên ứng dụng xác suất thống kê vào thực tế của Việt Nam. Tôi còn nhớ, năm 1966-1970, thầy đã giải quyết bài toán sau cho pháo binh Việt Nam:

Biết hướng gió của mặt đất, hãy dự báo hướng gió ở độ cao h.

Thầy đã nhận thấy rằng đấy là bài toán khó và không dùng được phương pháp hồi qui tuyến tính, hay phương pháp bình phương tối thiểu để giải bài toán trên (vì không gian giá trị là vòng tròn); và thầy Văn, cùng với thầy Nguyễn Văn Hữu nằm ở trạm khí tượng Láng bền bỉ trong suốt các mùa hè 1966 -1968 để thu thập số liệu và cùng với sinh viên các khóa K6-K8 tính toán ngày đêm (giai đoạn cuối còn có quãng 100 học sinh phổ thông tham gia). Công việc tiến hành tốt đẹp (xem bài 9. trong Lý Lịch khoa học của thầy), nhưng không có khen thưởng, mọi việc đều chay.

Thầy còn ứng dụng thống kê vào bài toán "may đo quần áo".

Có thể nói, thầy Văn là người Việt đầu tiên lặng lẽ ứng dụng thống kê vào những vấn đề cụ thể của Việt Nam: không ồn ào, không phô trương, không đòi hỏi, cần cù, nhẫn nại làm việc. GS Phạm Kỳ Anh nhớ lại rằng trong một buổi nói chuyện với chi đoàn cán bộ vào quãng năm 1973, thày Văn đã khuyên cán bộ trẻ cần cân đối thời gian giữa việc nghiên cứu lý thuyết và làm ứng dụng. Điều này có vẻ đi ngược với phong trào "làm thực tế" rất sôi nổi ở Khoa khi đó. Bây giờ nhìn lại thì mới thấy lời khuyên của thày là bổ ích.

Thầy vào Sài Gòn, tôi tưởng sẽ thay đổi đi ít nhiều, nhưng sau hơn 30 năm sống và làm việc ở thành phố năng động, ồn ào này, thầy vẫn "bất biến": vẫn cái xe đạp cổ từ Hà Nội đem vào, ăn mặc vẫn thế, không dùng di động, vẫn đều đặn tới trường, tham gia các hội thảo khoa học. Tôi gặp thầy khá nhiều lần ở Sài Gòn, lần nào cũng vậy, tôi và thầy nắm chặt tay nhau hồi lâu, trong ánh mắt của thầy tôi đọc được những lời hỏi thăm chân tình và tiếc cho tôi vì sức khỏe xuống quá nhanh. Tôi nhìn thầy với lòng kính trọng, biết ơn và tự hỏi "Chả lẽ thầy đọc sách nhiều quá mà quên mất rằng Qui luật của xác suất thống kê là qui luật đám đông, trong qui luật ấy, kinh tế (= tiền) là bài toán thống kê hay nhất và khó nhất?".

Nguyễn Duy Tiến

===
Mãi tới tận năm 1989, thầy mới được Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh cử đi thực tập sinh một năm ở Ba Lan.

Loại tin tức: 
Tags: 
các nhà giáo