Thông tin chung về đào tạo tiến sĩ

  1. Khóa đào tạo, năm học, học kỳ và thời gian đào tạo
    • "Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ đối với người có bằng thạc sĩ là 3 năm tập trung liên tục; đối với người có bằng tốt nghiệp đại học là 4 năm tập trung liên tục. Trường hợp nghiên cứu sinh không theo học tập trung liên tục được và được thủ trưởng đơn vị đào tạo chấp nhận thì chương trình đào tạo và nghiên cứu của nghiên cứu sinh phải có tổng thời gian học và nghiên cứu như quy định trên, trong đó có ít nhất 12 tháng tập trung liên tục tại đơn vị đào tạo để thực hiện đề tài nghiên cứu"
    • Thời gian được phép kéo dài là 2 năm cho đào tạo tiến sĩ.
  2. Cấu trúc của chương trình đào tạo tiến sĩ chuẩn Đại học Quốc gia Hà Nội
    Cấu trúc chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ chuẩn Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 4 phần:
    • Phần 1: Các học phần bổ sung
      Các học phần bổ sung là các học phần giúp nghiên cứu sinh có đủ kiến thức và trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ của nghiên cứu sinh.
      • Đối với nghiên cứu sinh chưa có bằng thạc sĩ: các học phần bổ sung bao gồm các học phần ở khối kiến thức chung bắt buộc, khối kiến thức nhóm chuyên ngành và khối kiến thức chuyên ngành của chương trình đào tạo thạc sĩ tương ứng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 11, Quy chế này.
      • Đối với nghiên cứu sinh đã có bằng thạc sĩ nhưng ở chuyên ngành gần với chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, hoặc có bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành nhưng tốt nghiệp đã nhiều năm hoặc do đơn vị đào tạo khác cấp thì trên cơ sở đối chiếu với chương trình đào tạo hiện tại, đơn vị đào tạo yêu cầu nghiên cứu sinh học bổ sung các học phần cần thiết theo yêu cầu của chuyên ngành đào tạo và lĩnh vực nghiên cứu.
      • Trường hợp cần thiết, nếu chương trình đào tạo trình độ đại học của nghiên cứu sinh còn thiếu những học phần có vai trò quan trọng cho việc đào tạo trình độ tiến sĩ, Thủ trưởng đơn vị đào tạo có thể yêu cầu nghiên cứu sinh học bổ sung một số học phần ở trình độ đại học.
      • Thủ trưởng đơn vị đào tạo quyết định các học phần nghiên cứu sinh cần học bổ sung.
    • Phần 2. Các học phần ở trình độ tiến sĩ, các chuyên đề tiến sĩ và tiểu luận tổng quan
      • Các học phần ở trình độ tiến sĩ giúp nghiên cứu sinh cập nhật các kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên môn; nâng cao trình độ lí thuyết, phương pháp luận nghiên cứu và khả năng ứng dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học quan trọng, thiết yếu của lĩnh vực nghiên cứu. Mỗi học phần được thiết kế với khối lượng từ 2 đến 3 tín chỉ. Mỗi nghiên cứu sinh phải hoàn thành từ 3 đến 5 học phần với khối lượng từ 8 đến 12 tín chỉ thuộc trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, nghiên cứu sinh phải hoàn thành 4 tín chỉ để nâng cao năng lực và kĩ năng sử dụng ngoại ngữ thông qua hoạt động chuyên môn (Ngoại ngữ học thuật nâng cao).
      • Các học phần ở trình độ tiến sĩ bao gồm các học phần bắt buộc và các học phần lựa chọn, trong đó các học phần bắt buộc là những học phần căn bản, liên quan đến những kiến thức cốt lõi ở mức độ cao của ngành và chuyên ngành. Các học phần lựa chọn có nội dung chuyên sâu phù hợp với đề tài nghiên cứu sinh hoặc hỗ trợ rèn luyện các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành, cách viết bài báo khoa học.
      • Các chuyên đề tiến sĩ đòi hỏi nghiên cứu sinh tự cập nhật kiến thức mới liên quan trực tiếp đến đề tài của nghiên cứu sinh, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, giúp nghiên cứu sinh giải quyết một số nội dung của đề tài luận án. Mỗi nghiên cứu sinh phải hoàn thành từ 2 đến 3 chuyên đề tiến sĩ với khối lượng từ 4 đến 6 tín chỉ.
      • Bài tiểu luận tổng quan (2 tín chỉ) về tình hình nghiên cứu và các vấn đề liên quan đến đề tài luận án đòi hỏi nghiên cứu sinh thể hiện khả năng phân tích, đánh giá các công trình nghiên cứu đã có của các tác giả trong và ngoài nước liên quan mật thiết đến đề tài luận án, nêu những vấn đề còn tồn tại, chỉ ra những vấn đề mà luận án cần tập trung nghiên cứu giải quyết.
      • Thủ trưởng đơn vị đào tạo quyết định và công bố công khai trước khi khai giảng khóa đào tạo các nội dung: danh mục, mục tiêu, yêu cầu, nội dung các học phần ở trình độ tiến sĩ và các chuyên đề tiến sĩ của từng chuyên ngành đào tạo; cách đánh giá, yêu cầu điểm tối thiểu cho mỗi học phần mà nghiên cứu sinh cần đạt; cách báo cáo, cách đánh giá các báo cáo chuyên đề và đánh giá tiểu luận tổng quan của nghiên cứu sinh.
    • Phần 3. Nghiên cứu khoa học 
      • Nghiên cứu khoa học là yêu cầu bắt buộc trong quá trình đào tạo trình độ tiến sĩ. Tùy theo tính chất của lĩnh vực nghiên cứu thuộc khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật, công nghệ mà đơn vị đào tạo có các yêu cầu khác nhau đối với việc đánh giá hiện trạng tri thức, giải pháp công nghệ liên quan đến đề tài luận án, yêu cầu điều tra, thực nghiệm để bổ sung các dữ liệu cần thiết, yêu cầu suy luận khoa học hoặc thiết kế giải pháp, thí nghiệm để từ đó nghiên cứu sinh đạt tới tri thức mới hoặc giải pháp mới. Đây là các cơ sở quan trọng nhất để nghiên cứu sinh viết luận án.
      • Nội dung, quy mô nghiên cứu khoa học phải phù hợp với mục tiêu của luận án. Đơn vị đào tạo có trách nhiệm tạo điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất để nghiên cứu sinh tiến hành các nghiên cứu cần thiết cho luận án. Nghiên cứu sinh phải đảm bảo về tính trung thực, chính xác, tính mới của kết quả nghiên cứu khoa học của mình, chấp hành các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam và quốc tế.
      • Thời gian nghiên cứu khoa học được bố trí trong thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ. Nếu vì lí do khách quan hay chủ quan, việc nghiên cứu khoa học không thể hoàn thành trong thời gian dự kiến thì để đảm bảo chất lượng luận án, nghiên cứu sinh được đăng kí kéo dài thời gian nghiên cứu. Các chi phí đào tạo trong thời gian kéo dài do nghiên cứu sinh chịu hoặc do đơn vị cử đi học hoặc đơn vị đào tạo hỗ trợ nếu có điều kiện.
    • Phần 4. Luận án tiến sĩ (sau đây gọi tắt là luận án) có khối lượng từ 70 đến 80 tín chỉ.
      • Luận án phải là một công trình nghiên cứu khoa học sáng tạo của chính nghiên cứu sinh, có đóng góp về mặt lí luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học hay thực tiễn kinh tế - xã hội.
      • Luận án có khối lượng không quá 150 trang A4, không kể phụ lục, trong đó có ít nhất 50% số trang trình bày kết quả nghiên cứu và biện luận của riêng nghiên cứu sinh. Cấu trúc của luận án bao gồm các phần và chương sau:
        1. Phần mở đầu: giới thiệu ngắn gọn về công trình nghiên cứu, lí do lựa chọn đề tài, mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài;
        2. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu: phân tích, đánh giá các công trình nghiên cứu liên quan mật thiết đến đề tài luận án đã được công bố ở trong và ngoài nước, chỉ ra những vấn đề còn tồn tại mà luận án sẽ tập trung giải quyết, xác định mục tiêu của đề tài, nội dung và phương pháp nghiên cứu; 
        3. Nội dung, kết quả nghiên cứu (một hoặc nhiều chương): trình bày cơ sở lí thuyết, lí luận và giả thuyết khoa học; phương pháp nghiên cứu; kết quả nghiên cứu và bàn luận.
        4. Kết luận và kiến nghị: trình bày những phát hiện mới, những kết luận rút ra từ kết quả nghiên cứu; kiến nghị về những nghiên cứu tiếp theo;
        5. Danh mục các công trình công bố kết quả nghiên cứu của đề tài luận án;
        6. Danh mục tài liệu tham khảo được trích dẫn và sử dụng trong luận án;
        7. Phụ lục của luận án (nếu có).
  3. Tổ chức lớp học
    • Khoa sẽ tổ chức các lớp học phần cho các nghiên cứu sinh có cùng chuyên ngành
    • Lịch học, lịch thi và lịch serminar, kết quả môn học được thông báo tới ban cán sự lớp hoặc trang web của Khoa về đào tạo Sau đại học: http://groups.goole.com/group/thongtincaohoctoan
  4. Đăng kí học tập
    • "Người học được đăng kí học và thi các học phần trong chương trình đào tạo do Khoa tổ chức giảng dạy. Kết quả các học phần này được chuyển đổi và được thừa nhận ở tất cả các đơn vị đào tạo trong đại học quốc gia Hà nội"
    • Các chuyên đề tiến sĩ phần bắt buộc phải được đăng kí học tập và hoàn thành trong năm học đầu tiên của chương trình đào tạo tiến sĩ, các chuyên đề tiến sĩ phần tự chọn phải được đăng kí học tập và hoàn thành ít nhất 6 tháng trước khi bảo vệ luận án cấp cơ sở;
  5. Đánh giá chuyên đề tiến sĩ
    • Việc đánh giá chuyên đề tiến sĩ trong chương trình đào tạo tiến sĩ được thực hiện bằng cách chấm điểm bài trình bày của nghiên cứu sinh trước tiểu ban chấm thi.
    • Quyết định thành lập tiểu ban chấm thi gồm ba thành viên, là những người có học vị tiến sĩ hoặc có chức danh phó giáo sư trở lên có chuyên môn phù hợp và hiểu biết sâu về chuyên đề của nghiên cứu sinh.
    • Điểm đánh giá chuyên đề tiến sĩ là trung bình cộng điểm chấm của các thành viên tiểu ban chấm thi được làm tròn đến một chữ số thập phân sau đó được chuyển thành điểm chữ theo quy định tại Khoản 3, Điều 34, Quy chế này. Điểm đạt yêu cầu của chuyên đề tiến sĩ là điểm C trở lên.