Bộ môn Xác suất-Thống kê nửa thế kỷ xây dựng và phát triển

I. Vài nét về Bộ môn Xác suất-Thống kê
 - Bộ môn Xác suất-Thống kê được thành lập năm 1960, cùng với sự thành lập của Khoa Toán-Lý, và là một trong bốn bộ môn được thành lập đầu tiên ở khoa Toán-ĐHTH Hà nội. Người chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn là PGS.TS.  Nguyễn Bác Văn (nay công tác tại Tp Hồ Chí Minh) .Thày Nguyễn Bác Văn là một trong số ít những người thày của khoa Toán-Lý đầu tiên của nuớc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa . Khoa Toán - Lý đó (chung cho cả 2 trường ĐHTH và ĐHSP) thành lập năm 1956 do GS Lê Văn Thiêm làm chủ nhiệm.

 - Việc ra đời Bộ môn Xác suất-Thống kê ngay từ khi Khoa Toán được thành lập đã cho thấy tầm nhìn xa của lãnh đạo Trường và Khoa lúc đó. Bởi lẽ , khác với Giải tích và Cơ học, 50 năm về trước Xác suất-Thống kê là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Trong nước chưa có ai được đào tạo bài bản chính quy về Xác suất-Thống kê. Tài liệu về Xác suất –Thống kê lúc đó chỉ có vài cuốn bằng tiếng Nga, mà lúc đó mấy ai đã biết tiếng Nga (các bậc tiền bối của Khoa lúc đó chỉ biết tiếng Pháp). Thế nhưng, những cán bộ đầu tiên của Bộ môn, nhận thức được tầm quan trọng của Xác suất-Thống kê đối với nền Toán học và khoa học nước nhà, đã vượt qua khó khăn,vừa dạy, vừa nghiên cứu và tự bồi dưỡng một cách hăng say với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Dưới ánh đèn thâu đêm những mái đầu xanh cặm cụi trên các sách tiếng Nga vừa đọc vừa tra từ điển. Cuốn giáo trình: “ Lý thuyết Xác suất” của nhà Toán học Nga Gơnhidenco đã được thày Nguyễn Bác Văn dịch ra tiếng Việt ,đã là một cuốn giáo trình khá tốt phục vụ cho việc dạy và học môn Xác suất trong những năm tháng ấy. Đó là cuốn sách Xác suất đầu tiên ở bậc Đại học được dịch ra tiếng Việt.

 - Ngay từ những ngày đầu, bộ môn đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Toán học Xô viết. Năm 1962, nhà toán học trẻ tuổi Liên xô Ghirsanov đã đến Khoa Toán và Bộ môn Xác suất-Thống kê để giảng một chuyên đề về “Lý thuyết xác suất và Quá trình ngẫu nhiên”. Nhà toán học Ghirsanov sau đó đã không may tử nạn trong một tai nạn leo núi khi ông mới 26 tuổi. Song chỉ với một định lý để lại trong Lý thuyết xác suất đã khiến ông trở nên bất tử. Định lý Ghirsanov, một định lý được trích dẫn rất nhiều, đã trở thành một tấm bia kỷ niệm cho ông.

 - Trong chặng đường nửa thế kỷ đã qua, nhân lực của Bộ môn đã trải qua những bước thăng trầm. “Kích thước” của Bộ môn và các “đặc trưng” khác của Bộ môn như trình độ chuyên môn, bằng cấp, độ tuổi trung bình,... biến động lên xuống khá mạnh. Lúc “đông vui” nhất, Bộ môn có số thành viên lên tới 14 người. Có những lúc 100% cán bộ của Bộ môn có học vị TS trở lên.

 - Vào những năm 90, cuộc sống trong nước khó khăn khiến nhiều anh em trong Khoa cũng như trong Bộ môn phải bươn chải kiếm sống như đi dạy học ở Châu Phi, sang Đông Âu dự hội nghị rồi ở lại buôn bán chạy chợ,… Nói chung ai cũng cố tìm mọi cách để có thể xuất ngoại càng lâu càng tốt. Có thời điểm ở Bộ môn chỉ hiện diện một hoặc hai người. Thời điểm năm 2002-2003 bộ môn không có cán bộ trẻ, người ít tuổi nhất cũng đã bước vào tuổi 50.

 - Hiện tại (năm 2011) có 9 người đang làm việc tại Bộ môn  trong đó có 1 GS, 1 PGS, 3 TS, 3Ths và 1 CN. Ngoài ra còn có 3 cán bộ đang làm NCS ở nước ngoài.
i. Danh sánh thành viên Bộ môn XS-TK (năm 2011)

  1. GS. TSKH Đặng Hùng Thắng, Chủ nhiệm Bộ môn: Sinh năm 1953. Tốt nghiệp Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1976, lấy bằng Tiến sỹ năm 1988 (bảo vệ theo chế độ ngắn hạn) và TSKH  năm 1992 tại Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhận chức danh PGS năm 1991 và chức danh GS năm 2007.
  2. PGS. TS Phan viết Thư: Sinh năm 1949. Tốt nghiệp Đại học tại Hunggari năm 1973 và lấy bằng TS năm 1999 tại Balan. Nhận chức danh PGS năm 2007.
  3. TS Trần Mạnh Cường (Phó chủ nhiệm Bộ môn): Sinh năm 1977. Tốt nghiệp đại học năm 1999 và lấy bằng Thạc sỹ năm 2003 và bằng Tiến sỹ năm 2011 tại Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN dưới sự hướng dẫn khoa học của GS Đặng Hùng Thắng.  
  4. TS Trịnh Quốc Anh:Sinh năm 1976. Tốt nghiệp Khoa Toán-Tin Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1997. Lấy bằng Thạc sỹ năm 2006 tại ĐHBK Hà nội và bằng Tiến sỹ năm  2008 tại Viện Viễn thông Quốc Gia, Cộng hòa Pháp.
  5. TS Nguyễn Thịnh:  Sinh năm 1980. Tốt nghiệp Khoa Toán-Cơ-Tin học
  6. (Hệ Cử nhân Tài năng) Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN  năm 2002. Lấy bằng Tiến sỹ năm 2006 tại Khoa Toán-Cơ-Tin học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN dưới sự hướng dẫn khoa học của GS Đặng Hùng Thắng .
  7. Th.S Phạm Đình Tùng. Sinh năm 1975.Tốt nghiệp năm 2007 và lấy bằng Thạc sỹ năm 2009 tại Khoa Toán-Cơ-Tin học Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN
  8. Th.S Hoàng Thị Phương Thảo :Sinh năm 1983. Tốt nghiệp ĐH năm 2005 và lấy bằng Thạc sỹ năm 2008 tại  Khoa Toán-Cơ-Tin học Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN
  9. Th.S Tạ Công Sơn: Sinh năm 1982. Tốt nghiệp ĐH  năm 2004 và lấy bằng Thạc sỹ năm 2009  tại  Khoa Toán-Cơ-Tin học Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN
  10. CN Vũ Hải Sâm : Sinh năm 1979 Tốt nghiệp ĐH năm 2001 Khoa Toán-Cơ-Tin học Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN

   Ba cán bộ đang làm  NCS  ở nước ngoài là:

  1. Trần Minh Ngọc (  tại Singapore)
  2. Trịnh Khánh Duy ( tại Nhật bản)
  3. Lê Vỹ              (tại Pháp)

ii. Chủ nhiệm Bộ môn Xác suât-Thống kê qua các thời kỳ

  • 1960-1981: PGS.TS. Nguyễn Bác Văn (sinh năm 1935)
  • 1981-1987: GS.TS. Nguyễn Văn Hữu (sinh năm 1941)
  • 1987-2/1989: PGS.TS. Đào Hữu Hồ (sinh năm 1944)
  • 2/1989- 10/1989: GS.TSKH. Nguyễn Duy Tiến (sinh năm 1942)
  • 10/1989-10/1990: TS. Nguyễn Viết Phú (sinh năm 1942)
  • 10/1990-5/2001: PGS.TS. Đào Hữu Hồ (sinh năm 1944)
  • 5/2001 đến nay: GS.TSKH. Đặng Hùng Thắng (sinh năm 1953)

iii. Những cán bộ đã từng công tác tại Bộ môn

  1. GS.TS. Hoàng Hữu Như (nguyên Chủ nhiệm Khoa Toán, đã mất)
  2. PGS.TS. Nguyễn Bác Văn (đã nghỉ hưu)
  3. GS.TS Nguyễn Văn Hữu (đã nghỉ hưu)
  4. GS.TS Nguyễn Duy Tiến (đã nghỉ hưu)
  5. PGS. TS Đào Hữu Hồ  (đã nghỉ hưu)
  6. Ông Nguyễn Văn Lộc (đã mất)
  7. Ông Phạm Quang Đức (đã nghỉ hưu)
  8. TS  Huỳnh Sum ( đã mất)
  9. Ông Phan Xuân Vỹ (đã mất)
  10. TS Nguyễn Khắc Phúc (đã mất)
  11. TS  Lê Ngọc Bường (hiện đang kinh doanh ở Ba lan)
  12. TS Nguyễn Viết Phú (đã nghỉ hưu)
  13. GS.TS Nguyễn Hữu Dư ( hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên)
  14. TS. Trần Vinh Hiển (hiện nghỉ hưu ở Pháp)
  15. Ông Đào Hà Phúc (đã mất)
  16. Ông Văn Ảnh (đã nghỉ hưu)

II. Những đóng góp của Bộ môn Xác suất-Thống kê đối vớí sự nghiệp xây dựng và phát triển ĐHQGHN trong 51 năm qua.
Bộ môn có các chức năng và nhiệm vụ sau

  • Giảng dạy các giáo trình cơ bản, cơ sở về Toán học cho sinh viên khoa Toán và các khoa khác trong ĐHQG HN
  • Đào tạo cử nhân  với định hướng về Xác suất-Thống kê
  • Đào tạo Sau Đại học: Đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ theo chuyên ngành :” Lý thuyết Xác suất và Thống kê toán học” bao gồm các khâu tuyển chọn, bảo vệ đề cương, giảng dạy chuyên đề và bảo vệ luận án
  • Biên soạn chương trình khung, chương trình chi tiết, viết các giáo trình, sách chuyên khảo phục vụ công tác đào tạo Đại học và sau đại học
  • Nghiên cứu khoa học: Tổ chức sinh hoạt xemina, tham gia các hội nghị hội thảo, thực hiện các dề tài NCKH các cấp
  • Tiến hành các đề tài hợp đồng ứng dụng Xác suất-Thống kê vào thực tiễn.

1. Thành tích  Đào tạo
 - Bộ môn là nơi duy nhất ở nước ta đào tạo cử nhân theo chuyên ngành Xác suất-Thống kê. Qua 50 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn đã đào tạo hàng trăm sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Xác suất-Thống kê. Một số sinh viên giỏi đã được giữ lại công tác ở Bộ môn, bổ sung vào hàng ngũ cán bộ trẻ kế cận trong Khoa Toán. Ngoài việc giảng dạy cho khoa Toán-Cơ-Tin học, các cán bộ của Bộ môn đã tham gia giảng dạy Xác suất, Thống kê cho hầu hết các khoa của Trường ĐHKHTN, Trường ĐHKHXHNV, Trường Đại học Công nghệ trong ĐHQGHN. Có lẽ Bộ môn Xác suất -Thống kê là Bộ môn duy nhất trong Khoa Toán đã tham gia giảng dạy trong các khoa của Trường ĐHKHXHNV. Cán bộ của Bộ môn còn được mời đến dạy ở nhiều trường Đại học trong nước như Đại học Huế, Đại học Vinh, Đại học Đà nẵng, Đại học Đà Lạt, ĐHQG Tp Hồ Chí Minh.Một số cán bộ của Bộ môn đã đi giảng dạy ở một số nước như Angeri, Balan, Tây ban nha.

 - Bộ môn là một trong những bộ môn đầu tiên trong cả nước được phép đào tạo tiến sỹ. Đên nay đã có 18 luận án TS. bảo vệ thành công tại bộ môn, trong đó có một luận án Tiến sỹ khoa học. GS.TSKH. Đặng Hùng Thắng thực hiện và bảo vệ luận văn tốt nghiệp, luận án TS. và TSKH. đều tại bộ môn Xác suất –Thống kê. Đó là sản phẩm “made in” 100% tại Bộ môn.

 - Bộ môn cũng đã đào tạo nhiều thạc sỹ chuyên ngành Xác suất-Thông kê. Số học viên cao học theo chuyên ngành XS-TK khá đông những năm  gần đây trung bình mỗi năm có trên 25 học viên. Các cán bộ của Bộ môn đã có mặt trong nhiều Hội đồng chấm luận án Thạc sỹ và Tiến sỹ của các Cơ sở đào tạo sau Đại học trong Toàn quốc. Điều đó đã góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu của ĐHQGHN.

 - Các cán bộ của Bộ môn đã biên soạn 30 sách giáo trình và sách chuyên khảo có chất lượng tốt và dịch nhiều sách nước ngoài phục vụ cho công tác đào tạo. Nhiều giáo trình đã được tái bản nhiều lần, được nhiều trường đại học khác trong nước sử dụng như cuốn sách “Xác suất-Thống kê “ của PGS.TS. Đào Hữu Hồ , “ Các mô hình xác suất và ứng dụng” do GS.TSKH. Nguyễn Duy Tiến chủ biên,  “ Mở đầu về Lý thuyết xác suất và ứng dụng” , “Bài tập xác suất” , “Quá trình ngẫu nhiên và tính toán ngẫu nhiên” của GS.TSKH. Đặng Hùng Thắng. Cuốn sách “Lý thuyết xác suất và các kết luận thống kê” do hai cán bộ của Bộ môn GS Hoàng Hữu Như và GS Nguyễn Duy Tiến biên soạn xuất bản năm 1969 là cuốn giáo trình Xác suất-Thống kê đầu tiên ở bậc đại học do người Việt nam biên soạn.

2. Thành tích nghiên cứu khoa học: Hơn 150 bài báo khoa học đã được các cán bộ của bộ môn công bố trong các tạp chí trong và ngoài nước trong đó có các tạp chí có chất lượng cao như: Probability Theory and Related Topics, Stochastics, Probability and Mathematical Statistics, Theory of Probability and its Applications,Kyushu Journal of Mathematics, Acta Mathematic Vietnamica, Vietnam Journal of Mathematics, Random Operators and Stochastic Equation...Một số cán bộ của bộ môn đã được mời ra nước ngoài trao đổi khoa học, thuyết trình xemina tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở Nga, Balan, Đức, Hà lan, Australia, Singapore, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc, Đài Loan, Đan Mạch, được mời tham dự và đọc báo cáo tại một số hội nghị khoa học cấp quốc gia và quốc tế.
Bộ môn cũng đóng vai trò chủ trì và nòng cốt trong việc tổ chức các hội nghị Xác suất-Thống kê toàn quốc lần thứ  2 (2002) lần thứ 3 (2005) và lần thứ 4 (2010); phối hợp cùng Phòng Xác suất-Thống kê (Viện Toán học) tổ chức các sinh hoạt khoa học cho cộng đồng những người làm Xác suất - Thống kê trong toàn quốc. Các cán bộ của Bộ môn đã chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước (thuộc chương trình nghiên cứu cơ bản), cấp Đại học quốc gia và được nghiệm thu với kết quả tốt.
 Hiện Bộ môn đang chủ trì 1 đề tài NCCB NAFOSTED . Có hai xêmina đang hoạt động tốt, thu hút được nhiều cán bộ trong và ngoài Khoa tham gia là xêmina về  “Toán tài chính” do GS Nguyễn Văn Hữu chủ trì và xêmina về  “Giải tích hàm ngẫu nhiên” do GS Đặng Hùng Thắng chủ trì.

3. Về ứng dụng: Các cán bộ của Bộ môn đã tham gia giải quyết một số bài toán thực tiễn phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như bài toán kiểm tra chất lượng sản phẩm, may đo quần áo may sẵn, lập bảng bắn cho pháo binh, dự báo khí tượng thuỷ văn, dự án thuỷ điện Sông Đà, thuỷ điện Sơn la. Đặc biệt việc giải quyết bài toán lập bảng bắn cho pháo binh (trong kháng chiến chống Mỹ) là một đóng góp thiết thực của Bộ môn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Một số cán bộ của Bộ môn là hội viên của Hội Toán học ứng dụng Việt Nam.

III. Khen Thưởng
Với các thành tích nêu trên Bộ môn đã nhiều năm nhận bằng khen của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các cán bộ của Bộ môn : Hoàng Hữu Như, Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Duy Tiến, Đào Hữu Hồ và Đặng Hùng Thắng đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và danh hiệu Nhà Giáo Ưu tú.

IV. Kết luận.
 Trong 55 năm qua Bộ môn Xác suất-Thống kê đã tiến được những bước khá dài. Hy vọng rằng trong những năm sắp tới với sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng của Nhà trường, Bộ môn Xác suất-Thống kê sẽ phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc phát triển lĩnh vực Xác suất-Thống kê, một lĩnh vực có một nền tảng lý thuyết cao đồng thời lại có một phạm vi ứng dụng hết sức rộng rãi . Bằng cách đó Bộ môn sẽ đóng vai trò  tốt hơn trong việc ứng dụng toán học vào thực tiễn  Việt nam, đóng góp phần nhỏ bé của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện dại hóa đất nước.
DANH SÁCH CÁN BỘ ĐANG LÀM VIỆC Ở BỘ MÔN
GS.TSKH. Đặng Hùng Thắng (Chủ nhiệm BM), PGS.TS. Phan Viết Thư, TS. Trần Mạnh Cường (Phó CN BM), TS. Nguyễn Thịnh, TS. Trịnh Quốc Anh, ThS. Trần Minh Ngọc, CN. Vũ Hải Sâm, ThS. Hoàng Thị Phương Thảo, ThS. Phạm Đình Tùng, ThS. Tạ Công Sơn.

Biên soạn : GS.TSKH. Đặng Hùng Thắng

Trọng số: 
5